Trong các diễn đàn giáo dục gần đây, chúng ta hay được nghe đến một trong những phương pháp giáo dục tiên tiến được gọi Phương pháp STEAM. Phương pháp giáo dục STEAM được nhắc đến thể hiện tính hiện đại, xu hướng Hội nhập Quốc tế với rất nhiều những ưu điểm vượt trội, phù hợp với giáo dục Việt Nam hiện nay. Vậy, Giáo dục STEAM là gì? Có thể áp dụng cho trẻ mầm non được không? Thực hiện lồng ghép hay ứng dụng với phương pháp dạy học truyền thống như thế nào để mang lại hiệu quả cao?
I. Giáo dục STEAM là gì?
1. Khái niệm chung
Giáo dục STEM chuyển sang STEAM đã bắt đầu trong vài năm qua và đang tiến lên như một phương thức tiếp cận giáo dục mới nhằm đáp ứng nhu cầu của một nền kinh tế thế kỷ 21. STEAM cho trẻ mầm non tận dụng lợi ích của STEM, thông qua nghệ thuật, đưa STEM lên một tầm cao mới: Cho phép ngay cả trẻ lứa tuổi mầm non cũng có thể tiếp cận và phát triển toàn diện.
STEAM là viết tắt của Khoa học (SCIENCE), Công nghệ (TECHNOLOGY), Kỹ thuật (ENGINEERING) và Toán học (MATH), A trong STEAM chính là Nghệ thuật (ART).
Giáo dục STEM/STEAM được hiểu là một cách tiếp cận liên ngành trong quá trình học, trong đó các khái niệm, học thuật mang tính nguyên tắc được lồng ghép với các bài học trên thế giới thực, ở đó học sinh áp dụng các kiến thức trong khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán vào các bối cảnh cụ thể, giúp kết nối giữa trường học, cộng đồng, nơi làm việc và các tổ chức toàn cầu để từ đó phát triển các năng lực trong lĩnh vực STEM/STEAM, qua đó học sinh được cung cấp tri thức dựa trên trải nghiệm thực tế đồng thời rèn luyện những kỹ năng cần thiết của thế kỷ 21 như tuy duy phản biện, làm việc nhóm, hợp tác, thuyết trình. Những kiến thức và kỹ năng vừa nêu phải được tích hợp, lồng ghép và bổ trợ cho nhau giúp học sinh không chỉ hiểu biết về nguyên lý mà còn có thể áp dụng để thực hành và tạo ra được những sản phẩm trong cuộc sống hằng ngày.
2. STEAM với trẻ mầm non.
Với trẻ mầm non, STEAM được hiểu đơn giản hơn, phù hợp với đặc điểm phát triển nhận thức và tư duy của trẻ.
Giáo dục STEAM là việc vận dụng kiến thức liên môn liên ngành vào thực tế để giải quyết tình huống cụ thế thông qua hoạt động trải nghiệm để tạo ra kết quả hay sản phẩm nào đó, trong quá trình thực hiện có trang bị kỹ năng cần thiết.
- S (SCIENCE) – KHOA HỌC: Là kiến thức về các quy luật, sự vật, hiện tượng trong tự nhiên, bao gồm: Các bộ phận cơ thể con người; Đồ vật ( Đồ dùng đồ chơi, PTGT, …); Động vật và thực vật; Một số hiện tượng tự nhiên (Thời tiết, mùa/ Ngày và đêm, mặt trời, mặt trăng/ nước/không khí, ánh sáng/đất đá, cát, sỏi…)
- T (TECHNOLOGY) – CÔNG NGHỆ: Là các vật liệu, dụng cụ, quy trình được sử dụng trong quá trình triển khai tạo thành sản phẩm. Có thể ở dạng vô hình ( gồm có những phát minh hay quy trình thí nghiệm…) Hay dạng hữu hình ( Sản phẩm công nghệ: bát, thìa, cốc, kéo… , sản phẩm công nghệ cao: máy tính…)
- E ( ENGINEERING) – KỸ THUẬT: Là quy trình áp dụng kiến thức khoa học để thiết kế, chế tạo hay xây dựng tạo thành sản phẩm như ngôi nhà, ô tô, cây cầu, máy lọc nước…
- A (ART)- NGHỆ THUẬT: Có thể được hiểu là tính thẩm mỹ, là sự tưởng tượng hay ý tưởng, là tháy độ sống tích cực…
- M (MATH) - TOÁN HỌC: là những khái niệm sơ đẳng như tập hợp số lượng số đếm số thứ tự/ xếp tương ứng/hình dạng/kích thước/ định hướng không gian thời gian/…