Maria Montessori là ai?
Maria Montessori (1870-1952) được sinh trưởng trong một gia đình trung lưu ở Chiaravalle, Italia. Từ nhỏ, bà đã được thừa hưởng nền giáo dục tốt và bộc lộ niềm yêu thích khoa học.
Bà trở thành người phụ nữ đầu tiên ở Ý tốt nghiệp ngành y khoa (năm 1896) và trở thành một bác sĩ. Mối quan tâm sâu sắc của bà đối với nhân loại đã khiến bà theo đuổi nghiên cứu về nhân chủng học, triết học, tâm thần học và tâm lý học thực nghiệm.
Ngày nay, đã có hơn 22.000 trường áp dụng triết lý Montessori trên toàn thế giới
Thông qua quan sát khoa học, bà hiểu được cách trẻ em tương tác với môi trường. Bà đã xác định các giai đoạn phát triển khác nhau của con người thông qua quan sát trẻ em từ nhiều thành phần dân tộc, văn hóa và kinh tế xã hội từ khi sinh ra đến khi trưởng thành. Qua đó, Maria Montessori đã hệ thống các tư tưởng “giáo dục qua giác quan” và “giáo dục qua vận động”, tạo thành phương pháp giáo dục trẻ em mang tên mình.
Vào thời điểm qua đời, bà là một trong những nhà giáo dục vĩ đại nhất của thế kỷ XX. Phương pháp giáo dục đậm chất nhân văn của bà vẫn không ngừng lan rộng trên toàn cầu, và ngày nay đã có hơn 22.000 trường áp dụng triết lý Montessori trên toàn thế giới.
Phương pháp Montessori là gì?
Các bậc cha mẹ chắc chắn sẽ quan tâm phương pháp Montessori là gì khi tìm hiểu các phương pháp dạy con. Dạy con theo phương pháp Montessori hay còn gọi là phương pháp giáo dục sớm montessori là một trong những phương pháp sư phạm giáo dục trẻ em nổi tiếng, được sử dụng phổ biến ở các trường mầm non quốc tế. Phương pháp này chấp nhận sự duy nhất của mỗi đứa trẻ và tạo điều kiện để trẻ phát huy khả năng riêng và cá tính của mình.
Phương pháp Montessori là gì? Tạo điều kiện cho trẻ phát triển tự lập
Hiệp Hội Montessori Quốc tế (Association Montessori Internationale, viết tắt là AMI) và Hiệp Hội Montessori Mỹ (The American Montessori Society hay AMS) nêu ra các đặc trưng của phương pháp học Montessori, bao gồm:
– Lớp học có nhiều lứa tuổi đa dạng, thường là các trẻ từ 2,5 hay 3 tuổi đến 6 tuổi.
– Trẻ tự lựa chọn hoạt động theo ý muốn của mình (với điều kiện là các hoạt động ấy được giáo viên lên kế hoạch trước).
– Trẻ không bị người lớn can thiệp hay làm phiền trong quá trình “làm việc”.
– Thay vì học một cách khuôn mẫu theo chỉ dẫn trực tiếp của giáo viên, trẻ được tự do khám phá, tiếp thu thông tin, kiến thức mới bằng cách trải nghiệm thực tế với các học cụ, vật dụng gợi mở tiềm năng trí tuệ.
– Các học cụ giáo dục đặc biệt do chính Bà Maria Montessori và con trai-đồng sự Mario Montessori nghiên cứu, sáng tạo và phát triển.
Dạy con theo phương pháp Montessori
Trong quá trình áp dụng dạy con theo phương pháp Montessori, cha mẹ cần lưu ý những “xu hướng của nhân loại”. Đó là:
– Bản năng tự bảo toàn
– Khuynh hướng thích gần gũi với thiên nhiên
– Tính trật tự
– Thích khám phá
– Giao tiếp
– Làm việc hay còn được mô tả là ‘hoạt động có mục đích’
– Thao tác với môi trường xung quanh
– Tính chính xác
– Tính lặp lại
– Tính trừu tượng
– Tính hoàn hảo
– Trí tuệ toán học
Dựa vào những hành vi chủ đạo kể trên của bé, cha mẹ có thể điều chỉnh cách giáo dục con cho phù hợp.
Ngoài ra, môi trường giáo dục cũng đóng vai trò quan trọng trong phương pháp Montessori. Không chỉ tạo điều kiện cho bé tiếp cận với các học cụ Montessori chuyên biệt hợp với độ tuổi, môi trường Montessori còn cần đảm bảo sự hài hòa, sạch sẽ, thiết kế phù hợp với nhu cầu của trẻ, có tính trật tự trong cách bố trí đồ vật cũng như cách sắp xếp các hoạt động.
Môi trường giáo dục cũng đóng vai trò quan trọng trong phương pháp Montessori
Ưu điểm và lợi ích của phương pháp Montessori
Ưu điểm của phương pháp Montessori
Những ưu điểm của phương pháp Montessori là điều không thể không nhắc đến khi áp dụng phương pháp giáo dục Montessori, sẽ giúp trẻ phát triển toàn diện trên các khía cạnh:
Về mặt thể chất: Trẻ phát triển số đo chiều cao, cân nặng cân đối theo yêu cầu độ tuổi, biết tự chăm sóc bản thân ở mức cơ bản và rèn luyện lối sinh hoạt nề nếp.
Về mặt nhận thức: Các bé được tạo điều kiện để tập luyện và phối hợp nhịp nhàng các giác quan qua việc thực hiện các công việc, nhận biết và dần sử dụng thành thạo những vật dụng quen thuộc.
Về mặt ngôn ngữ: Trẻ biết lắng nghe lời nói với các sắc thái tình cảm, nghe hiểu một số yêu cầu bằng lời, nghe bài hát, câu chuyện đơn giản. Ngoài ra, kỹ năng nói chuyện của bé ngày càng hoàn thiện theo độ tuổi.
Về mặt tình cảm, kỹ năng xã hội và thẩm mỹ: Mô hình giáo dục Montessori trợ giúp cho trẻ bộc lộ các sắc độ tình cảm với mọi người xung quanh, giao tiếp với người thân, cô giáo và các bạn tốt hơn. Bên cạnh đó, trẻ còn được học các môn nghệ thuật để trau dồi cảm thụ đối với âm nhạc, hội họa…
Ưu điểm của phương pháp Montessori – giúp bé tự lập, thông minh sớm
Có thể khẳng định ưu điểm của việc dạy con theo phương pháp Montessori chính là đảm bảo môi trường tự do phù hợp cho bé phát triển tính cách, khả năng sáng tạo, tự lập và sự thông minh sớm của bản thân.
Lợi ích của phương pháp Montessori
Albert Einstein đã nói một điều “bất hủ”: “Nếu bạn đánh giá một con cá bằng khả năng leo cây thì cả đời (con cá đó) sẽ nghĩ rằng mình ngu ngốc.”
Mỗi đứa trẻ đều tiềm ẩn những khả năng khác nhau, hay nói cách khác, mỗi trẻ đều đặc biệt theo cách riêng của mình. Mô hình giáo dục phổ quát kiểu truyền thống sẽ khó có thể “giải phóng” hết những khả năng tiềm tàng trong mỗi trẻ. Tuy nhiên, với phương pháp giáo dục Montessori, trẻ em có thể rèn luyện bản thân và học hỏi theo tốc độ của mình để trở thành những cá thể độc lập, tự tin trong tập thể.
Dù trẻ vẫn còn nhỏ bé và non nớt, lợi ích của phương pháp Montessori vẫn trao cho bé sự tôn trọng như đối với người đã trưởng thành, nhằm giúp trẻ hình thành lòng tự tôn và học được cách tôn trọng mọi người xung quanh.
Sáu năm đầu đời của trẻ (từ 0 đến 6 tuổi) là thời kỳ vàng để trẻ phát triển, hoàn thiện năng lực và tính cách. Dạy con theo phương pháp Montessori không chỉ giúp bé nâng cao khả năng thể chất và tinh thần của mình ngay từ những ngày thơ, mà còn tạo điều kiện để thắt chặt tình cảm giữa cha mẹ và bé yêu. Hãy để phương pháp giáo dục sớm Montessori giúp bé yêu của bạn có bước đệm thật vững chắc cho cuộc sống tương lai.