BA.2 khiến số ca mắc Covid-19 tăng nhanh
Thời gian gần đây, biến thể Omicron có xu hướng gia tăng sự lây nhiễm, thay thế dần biến thể Delta, nhất là tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh.
Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, kết quả giải trình tự gen ngẫu nhiên 109 mẫu bệnh phẩm của các ca dương tính với SARS-CoV-2 từ ngày 4-12-2021 đến ngày 1-3-3022 đã phát hiện 93 mẫu nhiễm biến thể Omicron (chiếm tỷ lệ hơn 85%). Trong đó, biến thể phụ BA.2 của Omicron chiếm ưu thế với 86/93 mẫu (chiếm tỷ lệ hơn 92%).
Còn tại thành phố Hồ Chí Minh, qua xét nghiệm tầm soát ngẫu nhiên 119 trường hợp mắc Covid-19, ghi nhận 103 người nhiễm biến chủng Omicron, chiếm 86%. Qua giải mã trình tự gen 67 mẫu, ghi nhận có 24 trường hợp nhiễm biến thể BA.1 và 43 trường hợp nhiễm biến thể BA.2.
Tiến sĩ Phạm Hùng Vân, chuyên gia dịch tễ học, nguyên giảng viên Khoa Vi sinh - Đại học Y dược thành phố Hồ Chí Minh cho biết, biến thể phụ BA.2 của Omicron xuất phát từ biến thể phụ BA.1. Xét về cấu trúc gen, BA.2 không còn đột biến mất đoạn như BA.1. Chính vì vậy, BA.2 có tốc độ lây lan nhanh hơn BA.1 (gấp từ 1,5-1,7 lần). Trong khi đó, BA.1 đã lây nhanh hơn Delta gấp 8 lần, nên tốc độ gia tăng ca nhiễm Covid-19 mới càng nhanh hơn.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cũng cho rằng, số ca mắc Covid-19 trong thời gian gần đây tăng lên chủ yếu do biến thể mới BA.2 của Omicron. Biến chủng BA.2 này lây lan nhanh hơn nhưng ít làm tăng mức độ bệnh nặng.
Còn theo báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), BA.2 đã được ghi nhận tại hơn 80 quốc gia trên thế giới. Sở dĩ BA.2 được gọi là “biến thể tàng hình” vì nó không chứa đột biến đặc trưng của biến chủng Omicron nên cần phải xem xét kỹ càng kết quả xét nghiệm người nhiễm biến chủng này bằng phương pháp RT-PCR.
Các nghiên cứu khoa học cho thấy, BA.2 khác với BA.1 khi có sự thay đổi về axit amin trong protein gai và các protein khác, khiến BA.2 có lợi thế tăng trưởng hơn BA.1 và không gây triệu chứng nghiêm trọng hơn, song lây nhanh hơn. Đồng thời, các nhà khoa học cũng ghi nhận một số ca tái nhiễm BA.2 sau khi nhiễm BA.1, tức là mắc Omicron 2 lần. Ngoài ra, miễn dịch tự nhiên từ BA.1 đủ mạnh để chống BA.2.
Trọng tâm vẫn là tiêm chủng, kiểm soát ca bệnh nặng
Đề cập các biện pháp ứng phó khi số ca mắc tăng nhanh do biến thể phụ BA.2 của Omicron, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho rằng, hiện nay, vắc xin vẫn là biện pháp đặc biệt hiệu quả trong giảm mức độ bệnh nặng, ca tử vong và nhập viện, kể cả với biến chủng Omicron. Do tỷ lệ bao phủ vắc xin cao trên phạm vi toàn quốc, đặc biệt là đã có sự chăm sóc đối tượng nguy cơ cao, nên tỷ lệ tử vong/số ca mắc trên phạm vi toàn quốc đã giảm sâu trong thời gian qua.
Theo báo cáo của Bộ Y tế, tỷ lệ tử vong/số ca mắc của 30 ngày qua là 0,2%, giảm so với tháng trước. Vì vậy, việc tiêm chủng phải được coi là ưu tiên hàng đầu. Tuy nhiên, khả năng tái nhiễm của biến chủng Omicron là có nên vẫn phải thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch.
Về các biện pháp trong thời gian tới, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long đề nghị, các địa phương tăng cường và hoàn thành tiêm mũi 3, mũi nhắc lại vắc xin phòng Covid-19 trong tháng 3 này.
“Việc tiêm mũi 3 rất quan trọng, đặc biệt là với biến thể phụ BA.2 của Omicron. Bởi vì mũi 3 làm giảm số ca mắc nặng, ca tử vong. Chúng tôi đánh giá rất cao một số địa phương đã tích cực đẩy nhanh tiêm mũi 3 đạt tỷ lệ 100%”, người đứng đầu ngành Y tế nhấn mạnh.
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cũng đề nghị các địa phương tiếp tục triển khai các biện pháp ưu tiên quản lý, bảo vệ nhóm đối tượng nguy cơ cao; đồng thời tăng cường năng lực cách ly, chăm sóc, điều trị, quản lý người mắc Covid-19 tại nhà, chỉ nhập viện khi có các dấu hiệu nặng. Đặc biệt, trong giai đoạn này, việc thực hiện thông điệp “5K + vắc xin + thuốc điều trị và ý thức” là rất quan trọng trong công tác phòng, chống dịch.
Đánh giá về diễn biến tình hình dịch Covid-19 tại Thủ đô, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà cho rằng, hiện biến chủng Omicron là chủng lưu hành chính tại Hà Nội. Do đó, dự báo trong thời gian tiếp theo, số ca Covid-19 có thể tiếp tục tăng cao. Dù số ca mắc tăng nhanh thời gian qua nhưng các mục tiêu cốt lõi của hoạt động phòng, chống dịch, gồm: Kiểm soát tỷ lệ tử vong, chuyển nặng; số mắc không vượt quá năng lực tiếp nhận của hệ thống vẫn được bảo đảm, phù hợp với tinh thần thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19.
Bà Trần Thị Nhị Hà cho rằng, trọng tâm công tác phòng, chống dịch Covid-19 trong thời gian tiếp theo vẫn tập trung vào công tác tiêm chủng, đặc biệt cho đối tượng nguy cơ cao, đồng thời chuẩn bị sẵn sàng tiêm vắc xin cho lứa tuổi 5-11 tuổi. Cùng với đó, quản lý, theo dõi, chăm sóc, điều trị bệnh nhân mắc Covid-19 từ sớm, từ cơ sở nhờ ứng dụng các nền tảng công nghệ thông tin. Đặc biệt, tập trung vào công tác điều trị chuyên sâu tại tầng 2, tầng 3; bố trí thêm các giường bệnh tầng 2 tại một số bệnh viện và tại cơ sở thu dung của thành phố sau khi nâng cấp về trang thiết bị.
Các chuyên gia dịch tễ học cũng đưa ra lưu ý, người dân không quá lo lắng với biến thể Omicron nói chung và biến thể phụ BA.2 nói riêng. Thực tế điều trị cho thấy, Omicron không như các biến chủng trước, nó chỉ tấn công đường hô hấp trên, chứ không đi xuống đường hô hấp dưới, ngoại trừ một số người có cơ địa đặc biệt, hiếm gặp có nguy cơ bị lan xuống dưới, hoặc bội nhiễm. Do đó, cần đề phòng bội nhiễm ở nhóm đối tượng nguy cơ.
Để đề phòng bội nhiễm, bác sĩ Trương Hữu Khanh, chuyên gia dịch tễ học, nguyên Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh (Bệnh viện Nhi đồng 1, thành phố Hồ Chí Minh) khuyến cáo, người dân cần giữ môi trường sạch sẽ, cẩn thận khi vào môi trường có nguy cơ nhiều vi khuẩn. Chẳng hạn, khi trong nhà toàn F0 thì không cần đeo khẩu trang nhưng khi đi vào nhà vệ sinh thì nên đeo, bởi nhà vệ sinh thường tù túng, ẩm ướt, là môi trường nhiều vi khuẩn dễ trú ngụ.
“Người nhiễm bệnh còn cần chú trọng tránh stress, vốn gây ra các triệu chứng liên quan đến hô hấp, tim mạch, tiêu hóa… như nhịp tim nhanh, nặng thở, trào ngược dạ dày. Ngoài ra, căng thẳng còn gây mất ngủ. Người bệnh có thể dùng các loại thuốc ngủ thảo dược để ngủ bù; tập thở để giảm stress. Nên tham khảo bác sĩ hoặc người có chuyên môn, bớt đọc lung tung, hỏi lung tung vì dễ bị lo lắng trước thông tin nhiễu loạn, gây căng thẳng”, bác sĩ Trương Hữu Khanh tư vấn.