Cứ mỗi dịp hè về, lòng tôi lại bùi ngùi xúc động nhớ về phong trào “Nghìn việc tốt” mà khi còn sinh thời, chủ tịch Hồ Chí Minh muôn vàn kính yêu của chúng ta đã phát động. Từ đó cho đến nay, phong trào “Nghìn việc tốt” vẫn luôn sống và khơi dậy lên biết bao tấm gương “Người tốt, việc tốt” trên khắp cả nước. Chắc hẳn ai cũng như tôi, cũng mong muốn làm một việc gì đó, tuy nhỏ bé nhưng lại thật có ý nghĩa. Chẳng hạn như chỉ là việc nhặt một hộp sữa bên đường bỏ vào thùng rác để bảo vệ môi trường, hay chỉ là việc giúp một bà già qua đường,..., cao lớn hơn sẽ là giúp đỡ các em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn được cắp sách tới trường,..v..v. Tất cả đều mang một ý nghĩa là chung tay đóng góp công sức, trí tuệ vào việc xây dựng đất nước Việt Nam ngày càng giàu mạnh. Nhiều trong số họ mà tôi biết đến là những thầy cô giáo, những người mang trên vai sứ mệnh trồng người mà Đảng, nhà nước và nhân dân tin tưởng trao cho không quản khó nhọc, hết mình vì đàn em thân yêu. Tôi muốn nói đến một người như thế, một tấm gương “Người tốt, việc tốt” như thế, đó chính là người đồng nghiệp của tôi, cô giáo: Nguyễn Thị Xuân Thanh, Bí thư chi bộ, Hiệu trưởng Trường mầm non Đa Tốn
Cô giáo: Nguyễn Thị Xuân Thanh là một tấm gương điển hình trong các phong trào thi đua yêu nước, gắn với cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Làm theo lời Bác dặn “Yêu nước thì phải thi đua”, chính vì vậy, trong những năm qua, cô đã xây dựng hội đồng sư phạm nhà trường thành một tập thể đoàn kết, trí tuệ, dân chủ, kỷ cương, tình thương và trách nhiệm. Đồng thời luôn quan tâm đến hoàn cảnh, nguyện vọng từng cán bộ, giáo viên, nhân viên trong nhà trường, cảm thông, chia sẻ, tạo điều kiện để họ công tác tốt. Cô Nguyễn Thị Xuân Thanh luôn đi đầu trong việc vận dụng nhiều phương pháp mới để nâng cao chất lượng giáo dục và đổi mới quản lý. Đặc biệt cô vận dụng tốt các biện pháp quản lý bằng kế hoạch, bằng pháp chế, hưởng ứng các cuộc vận động và phong trào thi đua của ngành phát động, thực hiện tốt công tác phối hợp với Công đoàn cơ sở, sự lãnh đạo của chi bộ Đảng trong nhà trường.
Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Đa Tốn thân yêu, cô luôn mang trong mình một mơ ước, tuy nhỏ bé nhưng lại thật sâu xa:“mai sau em sẽ là cô giáo”. Và chính mơ ước bình dị ấy đã giúp cô không ngừng phấn đấu học tập, rèn luyện và trở thành nữ nhà giáo khi tuổi đời mới có 22. Thấm nhuần lời dạy của Bác với ngành giáo dục mầm non, cô luôn tận tâm với nghề, chăm sóc, yêu thương trẻ như chính con mình. Qua các hội thi giáo viên dạy giỏi do ngành giáo dục tổ chức, cô đạt danh hiệu “Giáo viên dạy giỏi cấp thành phố”, được phụ huynh học sinh và đồng nghiệp tin yêu, tín nhiệm cô giữ chức danh phó hiệu trưởng, chủ tịch công đoàn Trường Mầm non Đa Tốn. Ai cũng hiểu rằng, cô phải nỗ lực phấn đấu rất nhiều vì sự nghiệp và gia đình khi phải cùng lúc đóng vai trò của người thầy, người mẹ, người cha, người con, người chị cả. Nhiều người nói với tôi rằng , sao thấy cô tươi cười như vậy nhưng vẫn nhìn thấy trong ánh mắt sâu thẳm kia luôn lắng đọng một nỗi buồn. Tôi chẳng biết nói gì hơn, khi một người chị, một người đồng nghiệp của tôi có hoàn cảnh gia đình thật vất vả như thế... Chồng cô mắc bệnh hiểm nghèo nhiều năm và đến năm 2009 thì qua đời. Một mình cô phải nuôi 2 con nhỏ ăn học cùng bố mẹ già và cô em chồng cũng không được bình thường như những người khác. Nhưng không vì như vậy mà cô dựa dẫm, ỷ lại vào người khác. Gánh nặng cơm áo gạo tiền không hề đè bẹp cô, bắt cô gục ngã. Cô vẫn luôn phấn đấu hoàn thành trách nhiệm, hết mình vì lý tưởng trồng người của mình, luôn xứng danh là một người cán bộ quản lý giỏi, chủ tịch công đoàn giỏi, chiến sĩ thi đua cơ sở. Nhưng bên cạnh đó, cô cũng không quên vai trò, nghĩa vụ của mình khi về bên gia đình.
Ngày 15/10/2013, cô được tập thể cán bộ, giáo viên, nhân viên nhà trường tín nhiệm, được UBND huyện Gia Lâm đề bạt giữ chức danh Hiệu trưởng Trường mầm non Đa Tốn. Để công tác quản lý đạt hiệu quả cao, ngoài trách nhiệm thực hiện các nhiệm vụ theo chức năng, bản thân cô tự trau dồi chuyên môn, tham gia nhiều lớp bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý hiệu trưởng, các lớp tập huấn do ngành giáo dục tổ chức để nắm bắt tình hình, cải tiến công tác quản lý tại đơn vị mình. Nhờ vậy, công tác quản lý của nhà trường luôn kịp thời và thường xuyên được đổi mới một cách rõ rệt. Để nâng cao chất lượng giáo dục, cô đã lãnh đạo nhà trường chú trọng đổi mới phương pháp dạy học, trong đó lấy trẻ làm trung tâm. Mỗi giáo viên phải biết vận dụng linh hoạt các phương pháp cho phù hợp trong từng giờ dạy. Ngoài ra, cô còn dành nhiều thời gian cho việc nghiên cứu, viết sáng kiến kinh nghiệm và các đề tài sáng kiến kinh nghiệp của cô đều được Hội đồng khoa học Ngành đánh giá cao, có nhiều sáng kiến kinh nghiệm cấp Thành phố trong công tác chỉ đạo, nâng cao chất lượng chuyên môn trong nhà trường. Chính vì những nỗ lực của cô trong công tác quản lý kết hợp với các đồng chí trong BGH nhà trường nên nhiều năm liền trường luôn đạt tập thể lao động xuất sắc cấp thành phố, được Nhà nước tặng thưởng Huân chương lao động hạng Ba, được Chủ tịch UBND thành phố, Bộ GD&ĐT tặng bằng khen. Bản thân cô vinh dự được Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội tặng Bằng khen, Bộ Giáo dục và đào tạo tặng Bằng khen
Một điều đáng quý hơn cả mà tôi cảm nhận thấy rất chân thành đó là tình cảm mà cô dành cho đồng nghiệp, một sự lắng nghe, chia sẻ và cảm thông sâu sắc. Cô dành cho chúng tôi những lời động viên, khích lệ, những lời góp ý chân thành nhất. Đó không chỉ đơn giản là quan hệ lãnh đạo với cấp dưới mà là tình bạn, tình đồng chí, tình anh chị em cao cả. Không những vậy, cô rất yêu thương các em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn đặc biệt. Bằng tấm lòng nhân ái của mình, cô thường xuyên trợ cấp bằng tiền, bằng hiện vật và sự chăm sóc của mình cho các em học sinh không có điều kiện đến trường như các bạn cùng trang lứa khác . Cô nhận đỡ đầu các bé có hoàn cảnh khó khăn như bé Thảo My, bé Chí Dũng,....Nhìn thấy các bé được vui tươi khi đến trường, lòng cô không khỏi xốn xang và xúc động.
Cô là một trong những tấm gương sáng trong cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” cho tập thể sư phạm nhà trường chúng tôi noi theo. Tuy phải làm bổn phận của người con với bố mẹ già, người mẹ yêu con, nhưng cô luôn có mặt tại trường đúng giờ. Từ những lời ăn, tiếng nói, tác phong, trang phục đến việc làm cô luôn gương mẫu để chúng tôi học tập như tự tay nhặt giấy loại bỏ vào thùng rác, thiết kế trồng, chăm sóc, bảo vệ bồn hoa cây cảnh, khuôn viên nhà trường. Cô đều quán triệt, đôn đốc, hướng dẫn mỗi giáo viên, nhân viên, học sinh trong toàn trường học theo Bác tiết kiệm điện, nước,..... và cô luôn gương mẫu thực hiện.
Ai đó đã từng nói: “Một thầy cô giáo như ngọn nến đốt chính mình để soi rọi cho người khác”. Không hiểu sao mỗi lúc ngẫm nghĩ về câu nói ấy, trong lòng tôi và các đồng nghiệp trong trường lại nghĩ đến người chị, người đồng nghiệp thân yêu của mình. Đối với chúng tôi, cô Ngyễn Thị Xuân Thanh không chỉ là một người lãnh đạo nhiệt huyết, tận tâm, đầy năng lực, người bạn thẳng thắn, chân tình mà còn là một tấm gương để bản thân học tập, rèn luyện để cống hiến nhiều hơn cho mái trường mầm non Đa Tốn thân thương này!