Chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động theo Nghị quyết 116/NQ-CP của Chính Phủ.
1. Mục đích hỗ trợ và chia sẻ khó khăn
Có thể thấy, từ đầu năm 2021 chúng ta liên tục phải đối mặt với sự bùng nổ của dịch bệnh Covid-19 tại nhiều địa phương trong đó có TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Long An, Đà Nẵng, Hà Nội… Tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp tác động nặng nề lên nhiều mặt của đời sống xã hội, đặc biệt là kinh tế. Thu nhập giảm, tình trạng thất nghiệp và giải thể của nhiều doanh nghiệp tăng cao.
Nghị quyết 116/NQ-CP được ban hành ngày 24/9/2021 với mục đích góp phần hỗ trợ người lao động khắc phục khó khăn, ổn định cuộc sống, chống đứt gãy chuỗi cung ứng lao động và thiếu hụt lao động. Đồng thời hỗ trợ người sử dụng lao động giảm chi phí, nỗ lực thích ứng với trạng thái bình thường mới, duy trì sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm cho người lao động.
Bên cạnh đó, Nghị Quyết còn cho thấy sự quan tâm, chia sẻ của Đảng, Nhà nước đối với người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19. Phát huy vai trò của chính sách bảo hiểm thất nghiệp là chỗ dựa cho người lao động và người sử dụng lao động.
Xem thêm >> Infographic: Chính sách mới về bảo hiểm thất nghiệp từ 01/10/2021
2. Nghị quyết 116/NQ-CP hỗ trợ những khoản nào?
Chính phủ quyết nghị thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động (NLĐ) và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) như sau:
(1) Hỗ trợ bằng tiền cho người lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 từ kết dư Quỹ bảo hiểm thất nghiệp
Theo Nghị quyết NLĐ sẽ được hỗ trợ một khoản tiền nhất định căn cứ vào thời gian đóng BHTN chưa hưởng trợ cấp thất nghiệp. Cụ thể mức hỗ trợ được thể hiện trong bảng sau:
STT
|
Thời gian tham gia đóng BHTN
chưa hưởng trợ cấp thất nghiệp của NLĐ
|
Mức hỗ trợ (đồng/người)
|
1
|
Dưới 12 tháng
|
1.800.000
|
2
|
Từ đủ 12 tháng đến dưới 60 tháng
|
2.100.000
|
3
|
Từ đủ 60 tháng đến dưới 84 tháng
|
2.400.000
|
4
|
Từ đủ 84 tháng đến dưới 108 tháng
|
2.650.000
|
5
|
Từ đủ 108 tháng đến dưới 132 tháng
|
2.900.000
|
6
|
Từ đủ 132 tháng trở lên
|
3.300.000
|
Bảng: Mức hỗ trợ cho người lao động từ quỹ BHTN.
Nguồn kinh phí hỗ trợ lớn, tuy nhiên các đối tượng được hỗ trợ sẽ giới hạn trong phạm vi nhất định:
Một là, NLĐ đang tham gia BHTN tại thời điểm ngày 30/9/2021 (không bao gồm NLĐ đang làm việc tại cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân và đơn vị sự nghiệp công lập do ngân sách nhà nước bảo đảm chi thường xuyên).
Hai là, NLĐ đã dừng tham gia BHTN do chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc trong khoảng thời gian từ ngày 01/01/2020 đến hết ngày 30/9/2021 có thời gian đóng BHTN được bảo lưu theo quy định của pháp luật về việc làm, không bao gồm người hưởng lương hưu hàng tháng.
Người lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 được hỗ trợ từ quỹ Bảo hiểm thất nghiệp.
Nguồn kinh phí hỗ trợ được lấy từ kết dư Quỹ bảo hiểm thất nghiệp đến hết năm 2020, rơi vào khoảng 30.000 tỷ đồng. Thời gian thực hiện việc hỗ trợ NLĐ từ ngày 01/10/2021 và hoàn thành chậm nhất vào ngày 31/12/2021.
(2) Giảm mức đóng vào Quỹ bảo hiểm thất nghiệp cho người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19
Theo Nghị quyết 116/NQ-CP người sử dụng lao động được giảm mức đóng vào Quỹ bảo hiểm thất nghiệp từ 1% xuống bằng 0% quỹ tiền lương tháng của những NLĐ thuộc đối tượng tham gia BHTN. Thời gian thực hiện giảm mức đóng là 12 tháng, kể từ ngày 01/10/2021 đến hết ngày 30/9/2022.
Việc hỗ trợ giảm mức đóng trên được áp dụng cho người sử dụng lao động quy định tại Điều 43 của Luật Việc làm đang tham gia BHTN trước ngày 01/10/2021. Tuy nhiên, các đối tượng sẽ không bao gồm cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân và đơn vị sự nghiệp công lập do ngân sách nhà nước bảo đảm chi thường xuyên.
(3) Hỗ trợ kịp thời, đúng đối tượng, công khai, minh bạch và hiệu quả
Trong giai đoạn khó khăn, Nghị quyết nêu rõ việc hỗ trợ NLĐ và người sử dụng lao động từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp phải bảo đảm nguyên tắc đóng - hưởng, chia sẻ và công bằng đối với NLĐ và người sử dụng lao động tham gia BHTN. Hỗ trợ NLĐ, người sử dụng lao động phải thực hiện đơn giản, kịp thời, đúng đối tượng, công khai, minh bạch và hiệu quả, không áp dụng đối với đối tượng tự nguyện không nhận hỗ trợ.
Chính sách được đưa ra đặt trong cân đối tổng thể chung các nguồn lực của Nhà nước, các quỹ, các nguồn hỗ trợ khác. Có tính tới sự khác biệt và ưu tiên một số đối tượng bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19.
Bên cạnh đó, Chính phủ yêu cầu Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định để triển khai thực hiện các nội dung chính sách theo trình tự, thủ tục rút gọn. Đồng thời, thực hiện chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam, các địa phương triển khai Nghị quyết của Chính phủ và Quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Đề xuất Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các giải pháp để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc phát sinh.
Mặt khác, Bộ Tài chính sẽ trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, điều chỉnh dự toán thu, chi và chi phí quản lý BHTN theo quy định. Quy trình triển khai được thực hiện một cách tuần tự, có sự phối hợp nhịp nhàng giữa các cơ quan, bộ phận liên quan, đảm bảo tiền sẽ đến tay NLĐ nhanh chóng và người sử dụng lao động được hỗ trợ kịp thời.
Nghị quyết 116/NQ-CP là điểm sáng cho thấy sự quan tâm kịp thời, những nỗ lực không ngừng của Nhà nước ta nhằm chung tay khắc phục hậu quả và khó khăn do dịch bệnh Covid-19 gây ra. Qua đây thấy được lợi ích từ việc tham gia BHXH, BHTN đối với người lao động, các doanh nghiệp, tổ chức giúp doanh nghiệp chia sẻ rủi ro hiệu quả hướng tới mục tiêu cân bằng và ổn định lâu dài.