Truyện dân gian: Ngọa sơn
Một buổi trưa, Quỳnh vào hầu Chúa, không thấy Chúa ở cung, hỏi thị vệ, thì ra Chúa đương giấc. Quỳnh không được tiếp, sẵn bút nghiên, đề ngay hai chữ vào tường rồi trở ra về.
Lúc Chúa dậy ra công đường, thấy ở tường có hai chữ “ngọa sơn” nét mực hãy còn ướt, không biết ai đề và cũng không biết nghĩa làm sao, hỏi thị vệ mới hay Quỳnh đề. Ðến buổi hầu chiều, đông đủ các quan, Chúa hỏi, không ai tán được, phải triệu Quỳnh đến.
Quỳnh đến, Chúa hỏi. Quỳnh thưa:
– Hai chữ ấy có nghĩa gì sâu sắc đâu, hạ thần cứ lấy nghĩa đen mà viết, không dám có ý tứ gì hiểm hóc cả.
– Cứ cắt nghĩa cho ta nghe, không hề chi mà ngại.
Quỳnh ngập ngừng mãi, mới nói:
Chữ “ngọa” nghĩa là “nằm”, “nằm” hẳn không ai nằm không, tất phải ngáy, chữ “sơn” nghĩa là “núi”, “núi” ắt phải có đèo, vậy hợp hai chữ làm một thì nghĩa là “ngáy đèo”.
Cả triều thần ai cũng cười. Chúa cũng bật cười. Tan hầu, các quan trách Quỳnh:
May mà Chúa rộng lượng, chứ không thì hôm nay ông mất đầu!